08:00 | 28/06/2020

Các bệnh truyền nhiễm đã có vaccine phòng bệnh:
Hiện nay có hơn 20 loại bệnh đã có vaccine tiêm chủng đó là:
(Vắc-xin (Vaccine) là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một (số) tác nhân gây bệnh cụ thể. Các nghiên cứu mới còn mở ra hướng dùng vaccine để điều trị một số bệnh. Thuật ngữ vaccine xuất phát từ vaccinia, loại virus gây bệnh đậu bò nhưng khi đem chủng cho người lại giúp ngừa được bệnh đậu mùa. Việc dùng vaccine để phòng bệnh gọi chung là chủng ngừa hay tiêm phòng hoặc tiêm chủng, mặc dù vaccine không những được cấy (chủng), tiêm mà còn có thể được đưa vào cơ thể qua đường miệng)
1. Bệnh tiêu chảy do Rota virus
2. Bệnh Bạch hầu
3. Bệnh Ho gà
4. Bệnh Uốn ván (phong đòn gánh)
5. Bệnh Bại liệt
6. Bệnh Sởi
7. Bệnh Quai bị
8. Bệnh Rubella
9. Bệnh Dại
10. Bệnh Viêm gan siêu vi B
11. Bệnh Viêm gan siêu vi A
12. Bệnh Viêm não nhật bản B
13. Bệnh Viêm màng não mủ do Hib
14. Bệnh Viêm màng não do não mô cầu
15. Bệnh Nhiễm trùng huyết, Viêm màng não, Viêm phổi, Viêm tai giữa do phế cầu
16. Bệnh Thủy đậu (Trái rạ)
17. Bệnh Thương Hàn
18. Bệnh Tả
19. Bệnh Cúm
20. Bệnh Ung thư cổ tử cung
21. Ngày 11/11, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức cấp phép lưu hành vaccine ngừa virus Ebola. Đây là giấy phép thương mại hóa lần đầu tiên cho loại vaccine này.
Hiện nay, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật đã cho ra nhiều nghiên cứu và phát minh điều trị bệnh có lợi cho sức khoẻ con người. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều căn bệnh chưa thể tìm ra phương pháp điều trị khỏi hoặc chỉ điều trị triệu chứng. Dưới đây là những căn bệnh thường gặp nhưng chưa có biện pháp để đối phó.
Bệnh SARS
(Bài dịch và tổng hợp bởi Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thanh – Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec)
SARS là chữ viết tắt của cụm từ Severe Acute Respiratory Syndrome, tạm dịch là “Hội chứng suy hô hấp cấp nghiêm trọng”, là một bệnh liên quan tới đường hô hấp gây ra bởi một chủng coronavirus có tên là SARS-CoV. Dịch SARS bắt nguồn từ Quảng Đông, Trung Quốc, sau đó lan rộng sang hơn 30 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Chi phí để điều trị, ngăn chặn dịch bệnh ước tính vào khoảng 40 tỷ đô (Báo cáo của WHO).
1. Đặc tính virus, nguồn gốc và độc lực
Virus SARS, là một loại coronavirus, thuộc họ Coronaviridae, có khả năng lây nhiễm và gây bệnh cho người, động vật có vú và một số loài chim. Virus gây dịch SARS trên người năm 2003 được xác định có nguồn gốc từ cầy hương (có tên khoa học là Paguma sp.,), đã gây ra đại dịch giết chết hơn 10.000 con cầy hương ở Quảng Đông, Trung Quốc. Virus này sau đó cũng được tìm thấy ở chó gấu trúc (có tên khoa học là Nyctereutes sp., và chồn (Melogale spp.) và một số loài mèo địa phương. Vào năm 2015, một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm thấy một số chủng tương tự như virus SARS có nguồn gốc từ dơi của Trung Quốc. Nghiên cứu đặc điểm di truyền của các chủng virus này cho thấy rất nhiều khả năng virus SARS-CoV gây dịch SARS năm 2002-2003 cũng có nguồn gốc từ dơi và lây nhiễm sang con người thông qua chợ bán thịt động vật hoang dã tại Trung Quốc. Năm 2006, một số nhà khoa học thuộc Trung tâm kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh tại trường ĐH Hồng Kông và Quảng Đông đã tìm ra bằng chứng về mối liên quan giữa virus SARS gây dịch ở cầy hương và người, khẳng định có sự lây nhiễm từ động vật sang người của chủng virus này.
Virus SARS gây dịch năm 2002-2003 có các đặc điểm di truyền đặc trưng của coronavirus như thuộc họ virus có vỏ với hệ gene được cấu tạo bằng trình tự RNA sợi đơn, chuỗi mạch dương, có kích thước khoảng 29.7 kb, lớn nhất trong số các virus có bản chất di truyền là RNA. Hệ gene SARS-CoV được cấu tạo bởi 13 vùng gene mã hóa cho 14 trình tự protein khác nhau. Vùng trình tự ORF1a và ORF1b là hai vùng trình tự mã hóa lớn nhất chịu trách nhiệm cho việc nhân bản virus, đồng thời quyết định độc lực (tính độc của virus). Ngoài ra có các proten cấu trúc khác đóng vai trò trong việc hình thành tạo nên vỏ capsid (protein vỏ), protein màng, protein gắn axit nucleic phục vụ cho việc đóng gói vật liệu di truyền, protein bề mặt hay protein gai (spike protein) đóng vai trò trong việc nhận biết và xâm nhập tế bào.
2. Các triệu chứng được ghi nhận
Người mắc bệnh SARS có triệu chứng tương tự như khi bị mắc cúm bao gồm các biểu hiện như sốt, cơ thể nhức mỏi, đau cơ, nhức đầu, tiêu chảy và run rẩy (ở mức độ nghiêm trọng). Không có một triệu chứng cụ thể nào đặc trưng cho người bị bệnh SARS, do vậy gây khó khăn trong công tác chẩn đoán phân biệt với cúm thông thường. Triệu chứng sốt được ghi nhận phổ biến ở hầu hết các trường hợp, tuy nhiên, ở một số trường hợp người già và những người đang sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch không có biểu hiện sốt trong giai đoạn đầu của tiến trình mắc bệnh. Ho (thường là ho khô, ho khan), hơi thở ngắn và nông, và tiêu chảy thường xuất hiện trong khoảng thời gian ở tuần thứ nhất và/hoặc tuần thứ 2 của tiến trình bệnh. Một số trường hợp nặng, quá trình này tiến triển rất nhanh, chuyển nặng thành dạng suy hô hấp và cần được chăm sóc hỗ trợ đặc biệt.
3. Đường lây truyền
Con đường lây truyền chính của bệnh SARS là lây truyền qua đường tiếp xúc gần giữa người bệnh và người bình thường. Tiếp xúc gần được định nghĩa là những tiếp xúc trong quá trình chăm sóc hoặc ăn ở cùng phòng với người đã bị nhiễm SARS, hoặc có tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp hay dịch tiết cơ thể như máu, tinh trùng, phân của người bị nhiễm SARS.
Ví dụ cho việc tiếp xúc gần gồm có các hành động như hôn, ôm ấp, sử dụng chung dụng cụ ăn uống, nói chuyện với người bị nhiễm trong bán kính 1m, hoặc chạm trực tiếp vào người bệnh. Tiếp xúc gần không bao gồm các hoạt động như đi qua người bị bệnh hoặc ngồi cùng phòng chờ với người bệnh trong một khoảng thời gian ngắn.
Virus SARS-CoV được ghi nhận là có khả năng lây truyền từ người sang người thông qua dạng giọt bắn dịch đường hô hấp. Khi người nhiễm virus ho hoặc hắt xì hơi, các giọt bắn từ dịch đường hô hấp sẽ được giải phóng ra không khí và bám trên bề mặt của vật dụng. Ở khoảng cách gần, giọt bắn có thể lây nhiễm trực tiếp qua đường thở thông qua đường hô hấp trên, bám trên bề mặt nhày của khoang miệng, mũi, mắt của những người đứng gần trong bán kính 1m. Virus cũng có thể lây truyền qua việc tiếp xúc trực tiếp, cầm, nắm với bề mặt của đồ vật đã bị nhiễm rồi đưa tay lên chạm vào miệng, mắt, mũi. Ngoài ra, không loại trừ khả năng virus có thể lây truyền qua đường không khí, dưới dạng các hạt dịch lỏng siêu nhỏ (aerosol, hạt khí dung) hoặc bằng một vài con đường lây nhiễm chưa được tìm ra khác.
4. Chẩn đoán và điều trị
Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho virus SARS, tuy nhiên, các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu để phát triển vắc-xin cho virus này.
Người nghi ngờ bị nhiễm SARS nên đến bệnh viện để được kiểm tra và thực hiện các thủ tục cách ly cần thiết nhằm hạn chế việc lây lan. Các phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ, nhằm tăng cường chức năng của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là các cơ quan đường hô hấp như hỗ trợ thở bằng máy cung cấp bổ sung oxy, sử dụng một số loại kháng sinh để điều trị nhiễm trùng cơ hội gây viêm phổi, sử dụng một số thuốc kháng virus, sử dụng thuốc steroid liều cao để điều trị sưng, phù nề phổi. Không có nhiều bằng chứng chứng minh rằng các phương pháp điều trị này là hiệu quả để điều trị virus SARS-CoV, tuy nhiên, các điều trị này nhằm tăng cường chức năng, tăng cường miễn dịch, điều trị nhiễm trùng cơ hội. Ribavirin, một loại thuốc kháng virus, đã được chứng minh là không có hiệu quả điều trị SARS.
5. Cách bảo vệ và phòng tránh
Cách bảo vệ và phòng tránh dịch SARS bao gồm thực hiện việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nơi có nguy cơ lây nhiễm virus cao như bệnh viện, bến tàu, bến xe, trung tâm thương mại… Thực hiện vệ sinh tay chân, vệ sinh môi trường, khử khuẩn, khử trùng môi trường tại các khu vực có người mắc bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với người bị nhiễm trong vòng ít nhất 10 ngày, kể từ ngày hết các triệu chứng.
Để ngăn chặn sự lây lan của virus, việc cần làm là:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay sát khuẩn khô có chứa cồn với nồng độ từ 70%.
- Che chắn miệng và mũi mỗi lần ho hoặc hắt xì hơi, sau đó phải rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay khô ngay khi có thể.
- Tránh việc dùng chung thức ăn, dùng chung đồ uống và các dụng cụ ăn uống với người bị nhiễm.
- Thường xuyên vệ sinh bề mặt vật dụng bằng các dung dịch sát khuẩn.
- Đối với người dân bình thường, có thể thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ vật, dụng cụ làm việc, vệ sinh môi trường bằng các dung dịch khử khuẩn, sát trùng. Chỉ khuyến cáo đeo khẩu trang ở chỗ đông người, nơi có nguy cơ phát tán virus cao. Không khuyến cáo đi du lịch tới các vùng dịch chưa được kiểm soát.
- Đối với nhân viên y tế trực tiếp thực hiện việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân SARS, ngoài việc thực hiện các khuyến cáo ở trên, nhân viên y tế cần được trang bị thiết bị bảo hộ chuyên dụng như quần áo bảo hộ, khẩu trang N95, găng tay, mặt nạ bảo hộ.
(Nguồn: CDC, WHO, clinicaltrials.gov, Ncbi.nlm.nih.gov)
MERS-CoV
(Bài dịch và tổng hợp bởi Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thanh – Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec)
MERS là chữ viết tắt của cụm từ Middle East Respiratory Syndrome, tạm dịch là “Hội chứng hô hấp Trung Đông” xảy ra vào năm 2012, gây ra suy hô hấp cấp dẫn tới tử vong ở nhiều nước trên thế giới. MERS có thể lây từ người sang người, đặc biệt tại vùng dịch, trong môi trường bệnh viện và các cơ sở chăm sóc sức khỏe khác.
1. Bệnh MERS xuất hiện khi nào?
Tính từ tháng 6 năm 2012 tới 30 tháng 6 năm 2019, đã có 2449 trường hợp được xác định dương tính với virus MERS-CoV gây hội chứng hô hấp Trung Đông. Trong đó, có tới 84% các trường hợp được ghi nhận tại Ả rập Xê-út. MERS-CoV đã lây lan ra 27 quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Châu Âu, Châu Á và Mỹ. Tới thời điểm báo cáo tháng 1 năm 2019, trên toàn thế giới đã có tổng số 845 ca tử vong do MERS, chiếm 34,5% số ca nhiễm bệnh.
2. Đặc tính virus, nguồn gốc, độc lực
Virus MERS-CoV, thuộc họ Coronaviridae, có khả năng lây nhiễm và gây bệnh cho người, động vật có vú và một số loài chim. Virus gây dịch MERS được xác định là chủng coronavirus mới có khả năng gây bệnh viêm đường hô hấp cấp tiến triển nhanh chóng trên người, đặc biệt ở người già và trẻ nhỏ, những người có thể trạng yếu hoặc đang mắc các bệnh mãn tính khác. MERS-CoV được xác định là khác tất cả các chủng coronavirus đã được tìm thấy ở người, và cũng khác so với chủng SARS-CoV gây dịch SARS năm 2002-2003. Tuy nhiên, tương tự như SARS-CoV, MERS-CoV cũng có nguồn gốc từ dơi lây nhiễm sang người qua động vật trung gian là lạc đà.
3. Các triệu trứng được ghi nhận
Rất nhiều trường hợp được xác định dương tính với MERS-CoV đã tiến triển nhanh thành các bệnh đường hô hấp nghiêm trọng, đặc biệt gây viêm phổi nặng. Các triệu chứng gồm có sốt, ho và khó thở. Ngoài ra cũng có thể có nhiều triệu trứng đã được báo ở một vài trường hợp gồm đau và nhức mỏi cơ, tiêu chảy, nôn mửa.
Ghi nhận một số trường hợp được xác định dương tính, tuy nhiên không có biểu hiện triệu chứng của bệnh do MERS-CoV hoặc chỉ biểu hiện triệu chứng ở mức độ nhẹ. Các trường hợp này đã được chỉ định kiểm tra do có tiếp xúc gần với các trường hợp bệnh nặng.
4. Đường lây truyền
Đã có các bằng chứng cho thấy, MERS-CoV có nguồn gốc ban đầu từ dơi, đã lây nhiễm sang người thông qua lạc đà. Một nhóm các nhà nghiên cứu đa quốc gia gồm Đức, Anh, Nga và Ả rập Xê-út đã tìm thấy MERS-CoV tồn tại ở gần 23% nhóm lạc đà nghiên cứu tại Ả rập Xê-út, cho thấy tỉ lệ xuất hiện virus cao và nguy cơ cao đối với những người chăm sóc lạc đà. Nhóm nghiên cứu cũng tìm ra rằng, MERS-CoV xuất hiện nhiều hơn ở nhóm lạc đà có nguồn gốc nội địa Ả rập Xê-út, so với nhóm lạc đà có nguồn gốc nhập khẩu từ châu Phi (Azhar 2014; El-Kafrawy 2019).
Do vậy, WHO đã đưa ra khuyến cáo về việc lây nhiễm MERS-CoV từ lạc đà sang người ở bán đảo Ả rập với nguy cơ lây nhiễm từ người sang người, chủ yếu trong bệnh viện hoặc cơ sở y tế khác, chủ yếu ở Ả rập Xê-út vẫn tiếp tục diễn ra. Ngoài ra, tồn tại nguy cơ lây lan ra cộng đồng thông qua các hoạt động thông thương, du lịch giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Chưa có bằng chứng rõ ràng cho việc virus có thể lây nhiễm từ người bị nhiễm nhưng chưa có biểu hiện bệnh sang cho người lành.
5.Điều trị
Với các ca bệnh nghi ngờ hoặc có thể đều phải được khám tại bệnh viện, được làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định nguy cơ lây nhiễm MERS-CoV. Với các ca bệnh đã xác định nhiễm MERS-CoV, cần phải nhập viện theo dõi và cách ly hoàn toàn. Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận.
Nguồn: WHO, CDC, PUBMED, CLINIALTRIAL.GOV
Sốt xuất huyết
Cho đến thời điểm hiện tại, bệnh sốt xuất huyết không còn xảy ra theo một chu kỳ nhất định nào nữa mà xuất hiện quanh năm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe toàn thể cộng đồng. Đây là căn bệnh chưa có vắc-xin phòng tránh nên chủ động tìm hiểu các biện pháp ngừa sốt xuất huyết là rất cần thiết.
Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra và có thể lây từ người bệnh sang người lành thông qua muỗi đốt. Trường hợp người bệnh chỉ mắc sốt xuất huyết thông thường thì việc điều trị sốt xuất huyết không có gì khó khăn, tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh diễn tiến thành hội chứng sốc Dengue hay còn gọi là sốt xuất huyết Dengue thì rất nguy hiểm. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và các phương pháp điều trị sốt xuất huyết chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng của bệnh.
Theo ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2 tỷ người mắc bệnh sốt xuất huyết, đối tượng mắc bệnh nhiều nhất là trẻ em, vì chưa có vắc-xin phòng bệnh nên sốt xuất huyết trở thành mối lo ngại lớn với sức khỏe cộng đồng.
Loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue thuộc chi Aedes aegypti và Aedes albopictus hoạt động mạnh nhất là vào ban ngày, với loài muỗi này thì chỉ muỗi cái mới có thể đốt và truyền bệnh cho con người. Sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt thì người người bệnh sẽ bị nhiễm virus Dengue chúng sẽ đi vào tuần hoàn trong máu từ 2 đến 7 ngày và gây ra bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Covid-19
(Bài viết được viết bởi Tiến Sĩ Đào Thị Mai Lan – Phòng nghiên cứu, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec.)
Virus corona mới (Covid-19) – Một loại virus mới gây bệnh viêm phổi đã và đang lây nhiễm cho hàng nghìn người tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác gây nên dịch bệnh nghiêm trọng. Kể từ bùng phát vào cuối tháng 12 năm 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa có vắc-xin cho loại virus mới này. Hiện nay rất nhiều nhóm nghiên cứu đang chạy đua trong công cuộc sản xuất Vắc-xin cho Covid-19. Vậy cần bao lâu để có vắc-xin cho Covid-19?
Tình hình nghiên cứu vắc-xin ngừa chủng virus Corona mới (Covid-19)?
Không giống như các dịch bệnh đã có trước đó như dịch SARS, Ebola, Zika hay Mers các nhà khoa cần đến hàng năm để có thể phát triển được vắc-xin ngừa bệnh, với Covid-19 chúng ta có thể rút ngắn thời gian để sản xuất vắc-xin nhờ những kinh nghiệm đã có cùng với sự phát triển của những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực y sinh.
Ngay sau khi hệ gen của Coronavirus Covid-19 được các nhà khoa học Trung Quốc chia sẻ trên hệ thống dữ liệu chung ngày 10/01/2020 nhiều nhóm nghiên cứu đã thông báo đã có thể sản xuất được vắc-xin cho loại virus này. Trong đó, tổ chức CEPI (Coalition for Epidemic Preparedness Innovations) đã tài trợ cho 3 công ty phát triển vắc-xin phòng Covid-19. Hai công ty Inovio Pharmaceuticals Inc. tại San Diego, Mỹ và Moderna Inc. tại Massachusetts, Mỹ đều thông báo rằng vắc-xin của họ có thể sẵn sàng tiến hành thử nghiệm trên động vật trong vòng một tháng tới. Công ty Moderna cũng cho biết thêm rằng họ có thể sản xuất được vắc-xin cho thử nghiệm lâm sàng trên người trong 3 tháng tới.
Hai công ty Inovio và Moderna đều sử dụng công nghệ chế tạo vắc-xin mới dựa trên trình tự DNA đặc hiệu hoặc mRNA của virus. Trình tự DNA được chọn mã hoá cho protein của virus, có khả năng kích hoạt hệ miễn dịch trong cơ thể người mà không gây bệnh cho người được tiêm vắc-xin.
Việc chế tạo vắc-xin dựa theo phương thức này sẽ nhanh hơn rất nhiều, chỉ cần biết trình tự hệ gen của virus mà không cần thực hiện trên mẫu virus thật. Bà Kate Broderick, người chịu trách nhiệm cho dự án sản xuất vắc-xin Coronavirus Covid-19 tại công ty Inovio cho biết rằng chỉ trong 3 giờ đồng hồ sau khi Trung Quốc cung cấp trình tự hệ gen của Coronavirus Covid-19 họ đã có thể thiết kế được vắc-xin cho loại virus này.
Nhóm nghiên cứu thứ ba ở trường đại học Queensland, Úc đang đặt mục tiêu sẽ có vắc-xin thử nghiệm trên người trong 16 tuần nữa. Nhóm nghiên cứu phát triển vắc-xin dựa trên protein của virus được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, khi một vắc-xin mới được phát triển thì cần phải trải qua các thử nghiệm trên động vật rồi đến một nhóm người nhỏ và sau đó mới có thể dùng cho cộng đồng. Các bước thử nghiệm này giúp đảm bảo tính an toàn cũng như chắc chắn hoạt động của vắc-xin có hiệu quả.
Do đó, cần có thời gian để có thể sản xuất được vắc-xin ngừa Coronavirus và chúng ta không thể đốt cháy giai đoạn quá nhiều. Chúng ta cũng không thể chắc rằng có thể có vắc-xin kịp thời trong thời gian diễn ra dịch bệnh này hay không?
Bà Anna Maria Henao-Restrepo từ tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết rằng hiện WHO đang xem xét để quyết định xem loại vắc-xin nào sẽ được kiểm chứng đầu tiên ở trên người. Các chuyên gia cần quan tâm tới nhiều tiêu chí trong đó bao gồm tính an toàn có thể chấp nhận được của loại vắc-xin, khả năng gây đáp ứng miễn dịch của loại vắc-xin và khả năng có sẵn kịp thời của liều vắc-xin. Tổ chức WHO sẽ công bố quyết định xem loại vắc-xin nào sẽ được thử nghiệm trên người trong vài ngày tới.
Công ty Inovio cho biết rằng nếu thử nghiệm lâm sàng ban đầu trên người thành công thì cuộc thử nghiệm lớn hơn có thể được tiến hành vào cuối năm nay tại Trung Quốc, nơi dịch bệnh đang diễn ra một cách nghiêm trọng. Dù chưa biết dịch bệnh có thể được kiểm soát sớm hay không nhưng đó là thời gian ngắn nhất có thể để phát triển một loại vắc-xin cho chủng virus mới.
Vào năm 2002-2003 khi dịch SARS diễn ra, cũng phải mất 20 tháng để có vắc-xin thử nghiệm trên người khi mà dịch bệnh hầu như đã được kiểm soát. Đến năm 2015 khi dịch Zika bùng phát, các nhà khoa học cũng mất khoảng 6 tháng để phát triển được vắc-xin.
Do đó chúng ta hy vọng rằng với những tiến bộ của khoa học và kinh nghiệm chống dịch đã có, các nhà khoa học có thể phát triển được vắc-xin cho coronavirus Covid-19 trong thời gian ngắn hơn.
Từ năm 2003 đến nay đã có 3 đợt bệnh dịch lớn do họ coronavirus gây ra, điều này dự báo về khả năng gây bệnh dịch phổ biến của chủng virus này. Do đó về lâu dài, các nhà khoa học có thể nghĩ tới việc phát triển một loại vắc-xin chung cho họ Coronavirus. Tuy nhiên với những kinh nghiệm trong phát triển vắc-xin HIV và vắc-xin cúm chúng ta biết rằng việc này cũng không hề dễ dàng.
Nguồn dịch: healthline.com, nytimes.com, bbc.com