11:00 19/07/2021
Covid 24h qua: Ca nhiễm cao nhất từ đầu dịch, phía Nam chia hai ‘mũi giáp công’
Ngày 18/7, Việt Nam ghi nhận 5.887 ca Covid-19 – cao nhất từ trước đến nay; 19 tỉnh phía Nam được chia thành hai nhóm nguy cơ để có chiến lược phù hợp; Hà Nội tăng cấp độ phòng dịch từ 0h sáng nay.
Con số 5.887 ca Covid-19 ghi nhận trong ngày là mức cao nhất từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020 đến nay. Số ca nhiễm tại TP HCM cũng cao nhất từ đầu dịch: 4.692. Hà Nội ghi nhận 42 ca, cao nhất trong đợt dịch thứ tư.
Tổng số ca Covid-19 từ ngày 27/4 đến nay là 50.150, ở 58 tỉnh, thành. Hôm qua, 29 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh lên 254. 19 tỉnh, thành phía Nam, nơi dịch đang bùng phát mạnh, cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 19/7.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chuẩn bị phương án ứng phó theo ba cấp độ dịch bệnh là 100.000 ca Covid-19; 200.000 ca và cao nhất 300.000 ca. Bộ trưởng Y tế chịu trách nhiệm về trang thiết bị, vật tư y tế; hướng dẫn cách ly xã hội; về năng lực điều trị tại từng địa phương; cung ứng đủ, kịp thời máy thở, oxy…
Bộ Quốc phòng huy động lực lượng đảm bảo vận chuyển lương thực, hàng thiết yếu; xây dựng bệnh viện dã chiến; triển khai chiến dịch tiêm vaccine. Bộ Giao thông Vận tải đảm bảo xe vận tải thông suốt giữa các địa phương.
Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm.
7 Bộ trưởng gồm Quốc phòng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Thông tin Truyền thông, Lao động Thương binh và Xã hội được yêu cầu lập ngay tổ công tác đặc biệt của từng bộ tại TP HCM nhằm hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống Covid-19. Các tổ công tác do một thứ trưởng đứng đầu, giải quyết ngay vấn đề phát sinh hàng ngày.
Họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ chia 19 tỉnh phía Nam thành hai nhóm. Nhóm một, các tỉnh tương đối an toàn là khu vực phía Nam sông Hậu và Bình Phước, tiếp tục chiến lược “ngăn chặn, phát hiện, truy vết, khoanh vùng, dập dịch, điều trị”.
Nhóm hai, TP HCM, Bình Dương và những nơi lây nhiễm cao, đậm đặc, có nguy cơ lan rộng thì dùng giải pháp mới với “hai mũi giáp công”. Mũi thứ nhất tập trung lực lượng tại những vùng có mức độ dịch bệnh rất cao, nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước làm sạch, thu hẹp ổ dịch. Mũi thứ hai tầm soát, sàng lọc để giữ vững chắc vùng an toàn.

Quân đội lập bệnh viện dã chiến tại Trung tâm triển lãm quốc tế TP Thủ Dầu Một, TP HCM, ngày 18/7. Ảnh: Thái Hà
Ban chỉ đạo cũng thống nhất, lái xe vận tải trong 19 tỉnh phía Nam đang cách ly xã hội không cần giấy xét nghiệm âm tính nCoV, nhưng phải khử khuẩn, không tiếp xúc người khác. Lái xe chạy qua lại giữa các địa phương cần có mã QR để đảm bảo thông suốt.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định Bộ Y tế chấp nhận kết quả xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm nhanh của cơ sở y tế từ cấp xã trở lên. Kết quả có hiệu lực trong 3 ngày. Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các đơn vị kiểm tra dọc tuyến vận tải để bố trí thêm điểm xét nghiệm nhanh, tránh ách tắc.
Bộ Y tế đã lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TP HCM, chuyển 2.000 máy thở chức năng cao vào để phục vụ điều trị. Bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP HCM sẽ cấp phát các trang thiết bị cho TP HCM cũng như các địa phương đang bùng phát dịch. “Chúng ta sẽ đảm bảo đầy đủ trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch tại TP HCM cũng như các địa phương khác trên cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Hà Nội, từ 0h ngày 19/7, người dân được yêu cầu ở nhà, không tụ tập quá 5 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m. Chính quyền khuyến cáo người dân chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu; thiên tai, hỏa hoạn. Khi ra ngoài, người dân cần khai báo y tế thường xuyên trên website tokhaiyte.vn, hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone.
Người dân tạm thời không tổ chức đám cưới; đám tang không quá 30 người và phải được cơ quan y tế tại nơi tổ chức giám sát nghiêm ngặt. Người từ các tỉnh, thành phố khác về Thủ đô phải khai báo y tế ngay, ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với chính quyền cơ sở.

Phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chiều 18/7 vắng bóng người qua lại. Ảnh: Giang Huy.
Để giảm áp lực cho TP HCM, nhiều địa phương lên kế hoạch đón người dân về quê tránh dịch. Tỉnh Quảng Nam sẽ đón người từ TP HCM về bằng ôtô, máy bay, sau đó rút kinh nghiệm và triển khai tiếp ở các tỉnh, thành khác.
Theo kế hoạch, ngày 21/7 ôtô xuất phát từ TP Tam Kỳ đến TP HCM. Trước khi lên xe về quê, người dân phải có kết quả xét nghiệm Covid âm tính trong 48 giờ; chuẩn bị sẵn đồ ăn, nước uống, tư trang… cho quá trình di chuyển. Với phụ nữ có thai, người già yếu, khuyết tật, ốm đau, trẻ em dưới 12 tuổi, tỉnh Quảng Nam sẽ đón bằng máy bay.
Hà Tĩnh lên phương án thuê tàu hỏa đón công dân tại TP HCM và các tỉnh vùng dịch, trước mắt ưu tiên những gia đình khó khăn, neo đơn, không nghề nghiệp. Người dân đăng ký với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh hoặc qua các hội đồng hương.
Bình Định sẽ thuê 4 chuyến bay đón 1.000 người dân khó khăn ở TP HCM về quê trong hai tuần tới, chi phí xã hội hóa. Chuyến đầu tiên ngày 20/7 sẽ đón khoảng 210 người. Các chuyến bay còn lại dự kiến trong ngày 23, 27 và 30/7.